Việc kinh doanh thuốc tại bệnh viện đều được các cá nhân và tập thể đánh giá là hoạt động sinh lời trong khoảng thời gian dài và vốn đầu tư không quá cao. Để có tư cách kinh doanh loại hình này, bạn phải tham gia quy trình đấu thầu thuốc tại bệnh viện và dành được gói thầu. Hãy cùng tôi nắm bắt các bước trong quy trình này nhé!
Đấu thầu thuốc là gì?
Đấu thầu thuốc là bao gồm một chuỗi hoạt động có liên quan đến cơ quan y tế cả công lập và tư nhân cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có mong muốn kinh doanh thuốc trong bệnh viện; nhằm mục đích lựa chọn ra một đơn vị phù hợp tiêu chuẩn để tiến hành cung cấp thuốc cho bệnh viện.

Toàn bộ quá trình sẽ diễn ra với các nhiệm vụ và quyền lợi của các bên như sau:
- Thủ trưởng cơ quan trung ương hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh: có quyền hạn phê duyệt hồ sơ mời thầu và đưa ra kết quả
- Lãnh đạo cơ quan y tế: đưa ra kế hoạch cụ thể các gói thầu căn cứ trên nhu cầu sử dụng của đơn vị, kết hợp với cơ quan chức năng xem xét các nhà thầu
- Các nhà thầu: nhận lời mời thầu và đưa ra dự thảo hợp đồng, sau đó tiến hành thương thảo với bên khoán. Và tiến hành ký kết khi hợp đồng đã được thông qua.
Quy trình đấu thầu thuốc phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT do Bộ y tế ban hành mang nội dung cụ thể về việc “đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập” và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về “hướng dẫn chọn nhà thầu”.
Hướng dẫn quy trình đấu thầu thuốc tại bệnh viện
Bước 1: Tạo lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
- Lập nhu cầu thuốc: các đơn vị tự lập ra nhu cầu thuốc cần đấu thầu trong năm tiếp theo và gửi dự trù về sở y tế
- Tổng hợp thuốc cần đấu thầu tập trung: việc tổng hợp và phân loại do sở y tế tiến hành, lên được danh sách, số lượng, đơn giá dự tính và thời gian cần cấp của từng loại.
- Họp thống nhất lại danh sách trên
- Trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu: do tổ chuyên gia thực hiện và đợi UBND cấp tỉnh phê duyệt
Bước 2: Thẩm định kế hoạch chọn thầu
Tổ thẩm định lúc này được thành lập dựa trên sự bàn bạc và sắp xếp của sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội cùng cấp, nội dung đánh giá:
- Danh sách, số lượng, nhu cầu của thuốc đấu thầu tập trung
- Kế hoạch chọn thầu
Không quá 20 ngày phải đưa ra góp ý sửa đổi và hoàn thiện bản cuối cùng, gửi giám đốc sở trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Bước 3: Tạo lập, kiểm tra và thông qua hồ sơ mời thầu
- Trước khi hết hạn mời thầu 40 ngày, bắt buộc tổ chuyên gia phải có được bản hồ sơ hoàn chỉnh
- Tổ thẩm định có kết quả sau khi nhận hồ sơ mời thầu, gửi cho giám đốc sở tham khảo trong tối đa 20 ngày
- Tổ chức cuộc họp thông qua hồ sơ mời thầu trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận báo cáo thẩm định
- Căn cứ trên biên bản cuộc họp trên, cùng với báo cáo thẩm định và nội dung hồ sơ, giám đốc sở đưa ra quyết định cuối cùng.
Bước 4: Đăng tải thông tin và phát hành hồ sơ mời thầu
- Việc đăng tải thông tin mời thầu do Phòng kế hoạch tiến hành, đảm bảo đầy đủ và chi tiết về lộ trình lựa chọn, giá trị sử dụng, các khoản lệ phí và phụ phí liên quan đến đấu thầu
- Hồ sơ được phát hành và có lập danh sách nhà thầu đã mua hồ sơ
- Hồ sơ còn được các cơ sở y tế sử dụng làm căn cứ cho thảo luận hợp đồng sau này
- Tiếp nhận hồ sơ: đảm bảo niêm phong đúng quy định hiện hành
Bước 5: Đánh giá, thẩm định hồ sơ dự thầu:
Thời gian tổng cộng 40 ngày gồm có: 25 ngày đánh giá hồ sơ, 10 ngày thẩm định lại kết quả lựa chọn và 5 ngày thông báo kết quả chọn thầu.
Các loại hồ sơ cần đánh giá:
- Hồ sơ đề xuất kỹ thuật: theo đúng quy định của điều 15, 16, 28 Nghị định 63/2014/NĐ-CP
- Hồ sơ đề xuất tài chính: tuần tự dựa trên quy trình từ điều 15, 16, 30 Nghị định 63/2014/NĐ-CP
Tiến hành tuần tự việc xem xét, nhận xét và thẩm định 2 loại hồ sơ trên để đưa ra lựa chọn nhà thầu phù hợp. Cuối cùng thông báo trúng thầu đến nhà thầu được chọn.

https://cdn.thukyluat.vn/nhch-images//CauHoi_Hinh/85dda55e-293b-4d5a-acc5-429656a5142b.jpg
Bước 6: Ký kết thỏa thuận
- Nội dung thỏa thuận: khung và hợp đồng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế
- Nhà thầu trực tiếp tiến hành ký kết hợp đồng cụ thể với từng cơ sở dưới sự giám sát của Sở y tế
Bước 7: Sắp xếp, lưu trữ hồ sơ đấu thầu
- Sau khi hoàn thành các bước trên, tổ chuyên gia cùng phòng kế hoạch đảm nhận việc sắp xếp và niêm phong các hồ sơ liên quan và giao cho văn phòng bảo quản.
- Nhận lại biên bản bàn giao chi tiết
- Ngoài ra phòng kế hoạch chịu trách nhiệm báo cáo thống kê công tác đấu thầu thuốc tùy từng trường hợp cụ thể
- Trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đấu thầu khi cơ quan chức năng yêu cầu thuộc về tổ thẩm định, tổ chuyên gia và phòng kế hoạch.
Bước 8: Xử lý các vấn đề phát sinh khác:
- Báo cáo đấu thầu thuốc: tổ chuyên gia thực hiện
- Các vấn đề như nhà thầu không cung cấp thuốc, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký: phòng kế hoạch chịu trách nhiệm
- Thanh toán hợp đồng: các cơ sở y tế thanh toán theo đúng thời hạn và định mức trong hợp đồng. Sau hoàn thành thì gửi hồ sơ thanh lý hợp đồng về sở y tế
- Định kỳ hàng quý phải có báo cáo về sở y tế đề cập tình hình cung cấp thuốc, nhu cầu sử dụng, kế hoạch điều tiết…
Tóm lại, quy trình đấu thầu thuốc tại bệnh viện gồm tất cả 8 bước và tiến hành tuần tự, theo đúng quy định và các điều luật có liên quan. Hy vọng thông tin tham khảo phía trên sẽ giúp ích cho bạn cũng như công ty đấu thầu thành công hạng mục “béo bở” này!